
Hồi xưa, khi còn là đại diện của một Brand lớn, thời kinh tế còn phơi phới, mình ngang dọc thế giới với một tâm thế luôn được săn đón. Với tâm thế đó, mở mồm không có gan cũng có thép, deal hợp đồng cũng này nọ hơn nhiều. Cho đến khi….
Mang tâm thế đó, cộng với kinh nghiệm tham gia vào chương trình cố vấn phát triển nhượng quyền quốc tế cho các thương hiệu Malaysia của chính phủ này với thành công vang dội, mình trở về Việt Nam và hừng hực khí thế chiến đấu, muốn trong vòng 24g có thể đưa doanh nghiệp Việt ngay và luôn ra thế giới. Đó, thật ra chỉ là giấc mộng.
Và rồi chẳng bao lâu sau, mình nhận ra rằng mọi thứ tại Việt Nam không lý tưởng như giấc mộng đêm xuân mà mình nung nấu. Một là, Việt Nam hoàn toàn không có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp quốc tế hóa một cách có chiến lược và bài bản. Làm gì đụng đến tiền chính phủ thì nó trở thành nồi cám không biết đường mà quậy. Thế là, mộng vỡ lần một dù đã cố gắng hết sức và bằng nhiều cách khác nhau.
Điều chợt nhận ra thứ hai của mình là, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam siêu yếu, không những thiếu đủ thứ mà còn yếu đủ thứ. Bởi vậy, các kiểu chương trình huấn luyện rời rạc, học một chút nhân sự, học một chút marketing, học một chút bán hàng theo kiểu chấp vá cuối cùng chẳng đâu vào đâu. Đi học thì nhiều nhưng không thấy thay đổi gì mấy. Đó là chưa nói đến các kiểu khoá học thao túng tâm lý, bơm tinh thần ầm ầm ngay lúc đó chỉ để bán hàng, rồi sau đó lại xẹp lép như một cái bong bóng xì hơi, vật vờ tìm kiếm khóa học tiếp theo. Khi sự tự tin, bản lĩnh và kiến thức chưa đủ, người ta thường có xu hướng chạy theo số đông, tìm kiếm và bám víu vào những điều người khác tin vào, dù bản thân cũng không sure lắm. Cứ như thế, người này canh vào niềm tin người khác, tạo ra cơ hội bán khóa học đa cấp cho rất nhiều những kiểu “chuyên gia” làm giàu. Trong thế trận bòng bong như vậy, tìm được đúng founder có tố chất, có tiềm năng và tư duy đúng để có thể phát triển đã trở thành một điều siêu khó. Thế là, mộng vỡ lần hai. Không ai trên đời này có đủ sức để đi thuyết phục những người không thể hiểu và đồng hành trên một hành trình không dễ một chút nào.
Mộng vỡ lần hai là vỡ dữ chưa? Cuối cùng, tôi rồi cũng ngây thơ nhận ra, nền tảng xã hội Việt Nam cực kỳ thiếu niềm tin và giá trị cơ bản trong việc tương tác giữa con người với nhau. Trong một xã hội mà niềm tin vụn vỡ, việc hợp tác, cộng tác một cách win-win, nghĩ cho nhau và cùng nhau phát triển đã trở thành hàng hiếm. Bằng một cách thần kỳ nào đó, người ta luôn dè chừng nhau, nghi ngờ nhau, tìm cách chơi trên cơ, tìm cách kéo nhau xuống như đàn cua lơ quơ trong giỏ. Không tin thì làm sao cộng tác? Không cộng tác thì làm sao học hỏi & sáng tạo? Không học hỏi và sáng tạo thì làm sao có thể làm được những điều kỳ diệu như phát triển toàn cầu? Đã con cua, lại còn con ếch, lại ego phình to như con ễnh ương nữa thì thôi rồi, mộng vỡ lần 3.
Nhưng có lẽ, once idealistic, always idealistic – một khi đã là người sống có lý tưởng thì hết đời này cũng không chạy khỏi cái bóng của lý tưởng. Thua keo này, bày keo khác, chớ lí tưởng dù vỡ vụn bao lần vẫn cứ cố chấp mà bám víu lấy thôi. Thế là, tôi tạo ra hệ sinh thái Go Global, mong tìm được những founder có tiềm năng, hiểu chuyện và tin tưởng vào một giấc mơ có khi chập chờn như giấc mộng của mình. Và cũng một cách cực kỳ lý tưởng, tôi mong chờ những người có mong muốn phát triển doanh nghiệp và thương hiệu Việt sẽ đồng hành một cách lý tưởng với mình. Gần ba năm sau, bài học là gì? Thứ nhất là lý tưởng cũng có hình hài của nó, chỉ là nó không tròn trịa, ngăn nắp như mình vẫn nghĩ. Lý tưởng rồi cũng có hình hài nhưng nó cũng mẻ chỗ này, vỡ chỗ khác, lam nham một cách rất wabi-sabi. Founder có người theo được, có người không. Mentor đồng hành có người thật tâm, có người chỉ nói nói chứ chẳng làm là mấy. Khoảng cách giữa lý thuyết mong muốn giúp đỡ người khác và thực tế chạm tay vào bùn chắc cách nhau phải vài chục năm ánh sáng. Nhưng chẳng phải đời vốn dĩ vẫn là như thế? Mọi trải nghiệm và hành trình đều có cầu vồng và rất nhiều vực thẳm đó sao? Thế là, mộng không vỡ nhưng méo mó mẻ vành. Tôi lại cắm cúi chắp vá cho một lý tưởng lúc này đã nhuốm màu cơm áo.
2025, năm chuyển giao, tôi viết câu đó vào giao thừa năm 2024, vẫn với một niềm tin lý tưởng vào thế hệ tiếp nối của mình. Vin vào điều gì để có niềm tin và lý tưởng này? Tôi hoàn toàn không có dữ liệu lớn nào để bày ra mà phân tích. Tháng 5/2025, khi hợp đồng nhượng quyền cho 3 thương hiệu, 10 thị trường quốc tế đã ký, khi các thương hiệu đang chạy nước rút để khai trương tại Ấn độ, giấc mộng dường như đã trở mình và mang chút giấc mơ, dù hành trình gặp ghềnh từ giấc mộng đến giấc mơ không ít những đêm tóc trắng. Và bài học lớn nhất của tôi là, những hiểu biết, kinh nghiệm và trải nghiệm của mình trong một thời thế khác đôi khi chẳng có chút tác dụng gì khi áp dụng vào một hoàn cảnh có điều kiện đầu vào khác biệt đến 99%. Ngày xưa vị thế quốc tế ngời ngời, ngày nay đi nhẹ nói khẽ với brand Việt Nam nên chiến lược đà phải khác. Ngày xưa mình tạo luật chơi, ngày nay mình phải quan sát và tuân thủ luật chơi, đồng thời phải cực kỳ sáng tạo trong việc tham gia vào con game đó. muốn lý tưởng thì phải cực kỳ linh hoạt, bền bỉ với thất bại và gian nan, học cách tự độ khi niềm tin bị ném vào sọt rác.
Nhưng làm gì có con đường nào khác từ giấc mộng đến giấc mơ? Có khi, cứ phải vỡ vụn ra, bị cán nát dưới mặt đường, bị chà đạp trên niềm tin và lòng tự trọng. Cứ phải tự mình trải qua, tự mình ngộ ra và tự mình thay đổi. Không có lý tưởng nào được trưng bày trong cửa hàng tiện lợi. Lại càng không có giấc mơ nào nảy mầm thành hiện thực mà không trải qua trăm ngàn lần vụn vỡ của những giấc mộng đêm xuân.