Skip to content Skip to footer

CASE STUDY – AI ĐI BÁN TRÀ VIỆT CHO XỨ TRÀ?

Trong lúc đi bộ từ khu triển lãm nhượng quyền Ấn độ qua hội trường tổ chức đêm trao giải nhượng quyền Ấn độ năm 2025, một bạn người Ấn thấy đoàn châu Á thì hỏi team người gì. Team trả lời người Việt Nam. Bản liền hỏi, ủa Việt Nam qua Ấn bán nhượng quyền cái gì. Yến, đồng sáng lập Phúc Tea trả lời qua nhượng quyền trà sữa. Bản bật cười thành tiếng nói, trời, sao đi bán trà cho xứ trà. Tụi bây có biết Ấn độ là xứ trà hôn?

Chuyện đó ai mà không biết. Biết mà vẫn bán nghĩa là người ta có chiêu của người ta chớ. Trên thực tế, dù là quốc gia uống trà sữa chai kiểu mỗi ngày lúc 4g chiều, không ngày nào bỏ qua, đó thật ra chỉ là thói quen của thế hệ người tiêu dùng đi trước. Ấn Độ là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới, 60% dưới 35 tuổi. Thế hệ trẻ này khá là tây hóa và vì vậy, họ đi tìm những trải nghiệm ẩm thực rất khác. Nếu thế hệ bố mẹ là dân uống trà, thì thế hệ trẻ là dân uống cà phê và đương nhiên cũng không bỏ qua trà sữa. Bên cạnh đó, thực ra Phúc Tea không bán trà sữa mà bán văn hóa trà và cà phê rất Việt Nam. Dù khởi nghiệp tại thị trường Việt Nam theo phong trào trà sữa Đài Loan, khái niệm trà sữa Đài Loan ấy chỉ có thể liên quan đến người tiêu dùng nội địa đi tìm một trải nghiệm văn hóa của quốc gia khác. Khi quyết định chuyển mình trở thành thương hiệu quốc tế với tầm nhìn vươn ra không chỉ khu vực các nước lân cận mà còn vươn xa hơn ra nhiều khu vực khác trên thế giới, sự khác biệt của một thương hiệu Việt không thể chỉ xoay quanh trà sữa hay trà sữa với khái niệm Đài loan. 

Để tạo ra sự khác biệt cho một thương hiệu Việt, điều quan trọng nhất là thương hiệu đó phải mang đậm bản sắc Việt Nam, không những qua cách xây dựng sản phẩm và dịch vụ mà còn qua trải nghiệm văn hóa độc đáo và bản địa. Từ việc tái định hướng thương hiệu Việt Nam vươn tầm quốc tế, đội ngũ đã trải qua một công cuộc tái cấu trúc lại toàn bộ công ty, nhân sự, sản phẩm và dịch vụ, marketing và thương hiệu. Đó là hành trình không dễ chút nào với một thương hiệu Việt Nam nhỏ đang vận hành một cách local. Để có được ngày hôm nay, sau hai năm chuyển mình và nhượng quyền được tại thị trường quốc tế như Philippines năm 2024 và hôm nay là nhượng quyền độc quyền khu vực bốn quốc gia tiểu lục địa Ấn Độ bao gồm Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka và Nepal, hành trình này không thể gập ghềnh hơn. Nếu gặp 3 người đồng sáng lập của Phúc Tea, bạn hãy hỏi về trải nghiệm tái cấu trúc và chuyển mình này của doanh nghiệp, vì đó là một câu chuyện có thể viết thành tiểu thuyết.

Điều đáng tự hào là, dù xuất phát từ một thương hiệu Việt Nam cực nhỏ, ngay cả tại Việt Nam cũng chưa đạt được độ nhận biết rộng rãi từ người tiêu dùng nội địa, câu chuyện của Phúc Tea chính là câu chuyện của hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ khác của Việt Nam, thiếu đủ thứ, loay hoay đủ đường, và dù ấp ủ hoài bão vươn ra thế giới, thực tế là chẳng bao nhiêu doanh nghiệp làm được. Đó là chưa nói đến việc xuất khẩu không chỉ tập trung vào nguyên vật liệu thô và hàng hóa. Qua hình thức nhượng quyền, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đã chứng minh hoàn toàn có thể xuất khẩu mô hình và thương hiệu với giá trị cao nhất trong chuỗi giá trị doanh nghiệp.

Cho nên, vấn đề chưa bao giờ là chuyện nhỏ hay siêu nhỏ. Dù bạn là doanh nghiệp nhỏ cỡ nào, cơ hội vươn ra thị trường quốc tế vẫn luôn luôn rộng mở. Tuy nhiên, để làm được điều này, không có gì là hiển nhiên cả. Ba yếu tố cốt lõi bạn cần phải có có thể Xây dựng nền tảng vững chắc trước khi vươn ra thị trường quốc tế bao gồm:

  1. Đội ngũ sáng lập là những người có khả năng học hỏi, thích ứng và tư duy mở để có thể quyết tâm và quyết liệt trong hành trình tái tạo chính bản thân mình và doanh nghiệp của mình. Một doanh nghiệp chỉ có thể lớn lên và vươn tầm quốc tế khi chính những con người trong doanh nghiệp đó có khả năng học hỏi liên tục, cập nhật nhanh chóng, thay đổi linh hoạt theo yêu cầu về mức độ chuyên nghiệp. Ngoài tư duy và mong muốn thay đổi, họ còn phải có khả năng dám buông bỏ những hành trang quá khứ không còn liên quan, dù họ có tự hào về nó đến cỡ nào. Ngày hôm qua sẽ mãi mãi là ngày hôm qua. Và hôm nay là một ngày rất khác. Nếu không có khả năng bỏ xuống, giữ cho mình tâm thế luôn bắt đầu lại từ đầu, với sự khiêm tốn và trong trẻo của một kẻ beginner, sẽ rất khó để có thể giữ cho mình linh hoạt, sáng tạo và hội nhập được với các đối tác và thị trường mang tính chất rất khác.

  2. Đội ngũ sáng lập là người có GQ – Global Quotient – Trí thông minh quốc tế. Hay nói cách khác đây chính là khả năng và kỹ năng xã hội, khả năng xây dựng quan hệ, làm việc, đối nhân xử thế trong môi trường quốc tế. Tất cả những kỹ năng và khả năng này hoàn toàn có thể học được qua trải nghiệm và qua mentor quốc tế của mình. Tuy nhiên, cơ bản phải là người có tư duy mở, người tử tế, đàng hoàng, sống hòa đồng và hiểu chuyện thì mới có thể nhanh chóng hội nhập được và học hỏi được những kỹ năng mới. Ngoài GQ, người làm việc quốc tế còn cần có CQ – Cultural Quotient – Trí thông minh văn hóa. Họ cần phải hiểu, cảm nhận, yêu thương và gìn giữ bản sắc văn hóa bản địa rất Việt Nam của mình, biết cách vận dụng nó vào việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp và bản sắc thương hiệu. Mặc dù là người hiểu và biết giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, họ lại là người cực kỳ có tư duy mở, biết trân trọng và hòa nhập vào bản sắc văn hóa của tất cả các quốc gia mà họ mong muốn thương hiệu của mình vươn đến. Khi bạn sống với tâm phân biệt, bạn sẽ chẳng bao giờ hòa nhập được. Mình phân biệt thì người khác cũng phân biệt. Cuối cùng tất cả các bên đều không gặp được nhau ở một điểm chung rất nhân văn của nhân loại. Cho nên, khi ta bước đi với tư duy và trái tim rộng mở, vũ trụ rồi cũng sẽ mở rộng vòng tay để đón từng bước chân ta.

  3. Cuối cùng, không ai có thể một thân một mình dò đường ra thế giới cả, đặc biệt là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam còn đang loay hoay ngay cả tại thị trường nội địa. Bạn sẽ cần một mentor, một người đồng hành đã có kinh nghiệm, trải nghiệm, network quốc tế để mở ra nhiều cánh cửa và cơ hội. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ giúp bạn xây dựng lại, cấu trúc lại, làm mới lại doanh nghiệp và thương hiệu của mình để nó trở nên sexy hơn, phù hợp hơn, liên quan hơn trên thị trường quốc tế. Người đồng hành là người kề vai sát cánh với bạn, cùng hoạch định chiến lược, kế hoạch và triển khai nó với bạn. Bạn không cần những người làm tư vấn chỉ nói bằng mồm, chỉ dạy bằng lý thuyết và hoàn toàn thiếu trải nghiệm thực tế.

Qua case của Phúc Tea, chuyện người thật việc thật của một doanh nghiệp nhỏ Việt Nam đã chuyển mình và vươn tầm quốc tế với hợp đồng nhượng quyền độc quyền sau hai năm là 11 thị trường quốc tế khác nhau, tôi rất hy vọng câu chuyện này sẽ truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khác của Việt Nam để các bạn có thể phản tư về thực tế hiện tại của mình, audit lại giấc mơ quốc tế của các bạn, hiểu rõ mình đang ở đâu, mình cần phải làm gì để có thể bắt đầu hành trình chuyển mình và bước ra thế giới như Phúc Tea đã làm trên chặng đường đầu tiên của họ.

Vậy là trong năm 2025, Phúc Tea sẽ khai trường cửa hàng đầu tiên tại Ấn Độ, Trung Đông và tiếp tục khai trương các cửa hàng tiếp theo tại Philippines. Tất cả đều bắt đầu từ những bước chân chập chững và nhiều bài học gập ghềnh về chuyên nghiệp hóa và quốc tế hóa doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

Leave a comment

0.0/5

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.