Skip to content Skip to footer

CASE STUDY – CÔNG THỨC GO GLOBAL CỦA CÀ PHÊ THREE O’CLOCK

“Sớm thôi, tôi sẽ có thể hẹn bạn của mình lúc 4g tại quán cà phê 3g (Three O’clock)”. Anh đối tác ký nhượng quyền độc quyền khu vực Dehli của thương hiệu  cà phê Three O’clock bông đùa trên hành trình chúng tôi đi xem 4 cái mặt bằng khác nhau ngày 16/5 tại Dehli. Vậy là, sau bốn tháng làm việc cật lực từ cả hai đội ngũ Việt Nam và đối tác nhận quyền độc quyền thị trường Ấn Độ, hợp đồng nhượng quyền độc quyền khu vực Dehli và hợp đồng nhượng quyền chi nhánh tại Hyderabad đã được ký kết. Cả hai team phải vào đường đua nước rút để có thể xây dựng và khai trương 5 chi nhánh trong quý 3 và 4 của năm 2025. 

Tôi hỏi anh đối tác mua nhượng quyền khu vực Dehli, ủa sao chưa thử sản phẩm, cũng chưa sang Việt Nam để tham quan chuỗi cửa hàng Three O’clock mà dám ký một cái hợp đồng nhượng quyền to bự như vậy, cam kết mở ít nhất 50 chi nhánh tại khu vực Dehli. Ảnh cười, bảo rằng có ba  yếu tố chính mang lại niềm tin vào thương hiệu. Một là thị trường cà phê Ấn Độ đang rất sôi động, cần thêm nhiều trải nghiệm văn hóa cà phê mới và Việt Nam là một trong những điểm đến rất hot của Ấn Độ trong thời gian gần đây. Sự giao thoa về văn hóa do người Ấn Độ du lịch nhiều tại Việt Nam đã tạo ra một nhu cầu trải nghiệm văn hóa cà phê Việt Nam rất lớn tại quốc gia tỉ dân này. Tuy nhiên, thị trường chỉ là yếu tố về nhu cầu, việc chọn thương hiệu Three O’clock để nhận quyền là vì hai yếu tố khác. Yếu tố thứ hai là cách thể hiện hình ảnh, branding của thương hiệu rất chuyên nghiệp, bài bản, trendy và phù hợp với giới trẻ Ấn Độ. Khi một thương hiệu dù từ quốc gia nào có đầu tư vào hình ảnh và thương hiệu thì đương nhiên thương hiệu đó sẽ tạo ra ấn tượng và thu hút đối tác cũng như khách hàng của mình. Nhìn vào là biết brand này sẽ vô cùng sexy đối với giới trẻ tiêu dùng Ấn Độ.

Yếu tố thứ ba, là yếu tố tiên quyết và cũng là yếu tố quan trọng nhất trong quyết định của anh là niềm tin. Niềm tin thứ nhất đến từ quan hệ và sự tin tưởng sẵn có giữa anh với đối tác nhượng quyền độc quyền thị trường Ấn Độ của Three O’clock. Trong nhượng quyền, niềm tin có thể nói là yếu tố hàng đầu dẫn dắt các đối tác đến với nhau. Vì vậy, một niềm tin và sự tin tưởng sẵn có giữa hai đối tác trong nhiều năm là nền tảng cực kỳ quan trọng đối với quyết định của anh. Nhưng điều đó cũng chưa đủ. Niềm tin thứ hai củng cố cho quyết định này là niềm tin vào những người sáng lập. “Tôi nhìn hình ảnh của Phi và Thuận, thấy Phi là người đã là chuyên gia trong ngành nhiều năm, là người đã đầu tư vào nhiều thương hiệu thì tôi tin rằng chắc chắn đây sẽ là một thương hiệu phát triển bài bản và chuyên nghiệp. Nhìn Thuận, tôi cảm thấy bạn trẻ này với hành trình xây dựng doanh nghiệp và thương hiệu của mình 10 năm một cách thành công, nay lại còn vươn ra quốc tế thì chắc chắn là người có thể đồng hành lâu dài được. Vậy, là tôi ký luôn không cần suy nghĩ. Phi biết không, khi đặt bút ký hợp đồng nhượng quyền, tôi thậm chí còn chưa thử miếng cà phê nào của Three O’clock.”

Như vậy, một thương hiệu Việt Nam muốn thành công trong việc phát triển quốc tế như Three O’clock rất đơn giản là cần những thành tố như vừa kể ở trên. Một là cần sự đầu tư bài bản vào hình ảnh và thương hiệu. Đây là điều tôi đã nói rất nhiều lần tại rất nhiều diễn đàn. Vấn đề là, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam rất tiếc tiền đầu tư vào thương hiệu. Các bạn có thể bỏ tiền đi học các khóa truyền động lực tính bằng trăm triệu, nhưng khi phải bỏ tiền vào việc thiết kế và xây dựng hình ảnh cho chính thương hiệu của mình thì lại tiếc từng đồng. Cũng có khi, nếu founder không phải là người có hiểu biết về marketing mà lại còn tự tin một cách lơ ngơ, làm theo nhận thức non nớt của cá nhân mà không nhờ đến sự can thiệp của người có chuyên môn, thương hiệu sẽ trở thành một mớ hổ lốn, làng nhàn, non nớt một cách tội nghiệp và thiếu chuyên nghiệp một cách không chấp nhận được. Cũng như cách bạn thể hiện bản thân mình thôi, khi nhìn vào đã không có cảm tình và không thích thú thì không có chuyện gì xảy ra sau đó cả. Việc phải mang một thương hiệu non nớt đi lạy lục người khác hợp tác với mình là bài toán khùng điên nhất mà không doanh nghiệp vừa và nhỏ nào của Việt Nam nên giải. Làm gì cũng phải nhìn vào cái thế của mình một chút. Đã xuất thân từ một thị trường chẳng mấy được wow về thương hiệu quốc gia thì bản thân mình cũng phải học cách chải chuốt brand Việt lên một chút.

Chuyện thứ hai quan trọng hơn nữa là phải có người đồng hành giúp mình xây dựng được một network của sự chuyên nghiệp và tin tưởng. Đã là thương hiệu Việt Nam, lại là doanh nghiệp siêu nhỏ thì không có cửa nào để nói chuyện với các ông lớn quốc tế cả. Bạn phải chấp nhận và hiểu rõ vị thế của mình. Đừng ngạo mạn và tự cho rằng cái thế Việt Nam hiện tại của mình cũng là ghê gớm lắm. Xin lỗi các bạn, dù tại Việt Nam các bạn có cả 100 chi nhánh đi chăng nữa thì nó cũng chẳng là cái thá gì đối với những ông chủ đi tìm thương hiệu để mua, nói chi chỉ là một chục hay vài cái. Khi mua, họ cần một đối tác có thể tin tưởng và đồng hành dài lâu. Sự tin tưởng này không đến từ việc ở Việt Nam bạn có tài sản gì. Nó đến từ tư duy, tâm thế, mức độ chuyên nghiệp và cách đối nhân xử thế của chính bạn khi xây dựng quan hệ với người khác trong network. Quan trọng hơn nữa là, nó đến từ quan hệ sẵn có của những người mà họ đã tin tưởng. Vì vậy, việc buông đầu này bắt đầu kia, cào cấu để tìm đối tác quốc tế là chuyện không khả thi. Và cũng không có ai có sẵn network của sự tin tưởng lại chấp nhận giới thiệu người không đàng hoàng hoặc không biết cách ăn ở với network của  mình. Trong kinh doanh, reputation – uy tín cá nhân là cực kỳ quan trọng. Nếu không biết xây dựng và giữ gìn uy tín đó thì không có cách nào để phát triển bền vững.

Cho nên, nghe công thức có vẻ cực kỳ bí hiểm, nhưng thật ra nó chỉ là những bài học cơ bản nhất trong kinh doanh. Chả cần phải học MBA hay tốt nghiệp trường đại học ghê gớm nào mới có thể hiểu được những nguyên lý super cơ bản như vậy. Tuy nhiên, nếu dựa vào những nguyên lý cơ bản thế thôi mà Three O’clock có thể bắt đầu hành trình quốc tế rực rỡ như thế thì, tôi tin là rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khác của Việt Nam hoàn toàn có thể ứng dụng nguyên lý này để bước ra thế giới.

“Tôi vừa mới xác nhận muốn ký thêm học đồng nhượng quyền của một thành phố khác.”, anh đối tác Dehli chạy lại báo với tôi chiều ngày thứ 2 của triển lãm nhượng quyền Ấn độ. 

“Gì mà nhanh dữ vậy”, tôi hỏi.

“Nay đã thử sản phẩm rồi, lại còn gặp cả team founder, và nhìn thấy mức độ quan tâm của quá nhiều bạn trẻ Ấn Độ muốn mua nhượng quyền cà phê Three O’clock tại triển lãm là tui siêu tự tin để có thể xây dựng các khu vực thị trường của mình cực kỳ thành công. Không phải là 50 chi nhánh trong vòng 5 năm đâu Phi. Tôi muốn mở cả 100 chi nhánh trong vòng hai năm. Thị trường đang sôi động lắm, không thể chậm quá được. Mình tập trung đầu tư và chăm chút cho những chi nhánh đầu tiên xong là mình scale luôn.” Ảnh nói mà mắt sáng rỡ, năng lượng hừng hực, kiểu đã quá sẵn sàng để bắt tay vào việc.

Vậy thôi. Chỉ cần tập trung làm thật tốt việc của mình và tìm được người đồng hành tin tưởng là đủ. Mọi việc trên đời không phức tạp như ta nghĩ. Đôi khi, sự vĩ đại chỉ đến từ những điều đơn giản nhất mà thôi. 

Leave a comment

0.0/5

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.